PHƯƠNG PHÁP SO SÁNH TÔM THẺ GIỐNG CHẤT LƯỢNG

posted in: Tôm Thẻ | 0

Cách tiến hành

Kiểm tra trạng thái hoạt động của giống tôm thẻ chất lượng

Quan sát trực tiếp hoạt động bơi và bám của giống tôm thẻ trong chậu. Dùng tay khuấy tròn nước trong chậu và quan sát hoạt động bơi của tôm. Tôm khỏe sẽ bơi ngược dòng, đuôi xòe hoặc bám vào thành và đáy chậu. Tôm yếu trôi theo dòng nước chảy hoặc tập trung giữa chậu.

Thử trực tiếp với ánh sáng: Đặt chậu giống tôm thẻ vào chỗ tối, dùng đèn pin chiếu đột ngột và trực tiếp vào chậu để quan sát phản ứng của tôm. Tôm khỏe sẽ có phản ứng nhanh khi có tác động đột ngột của ánh sáng.

Kiểm tra ngoại hình, màu sắc

Dùng vợt vớt 30 – 40 cá thể từ chậu cho vào cốc thủy tinh có chứa sẵn nước. Đặt hoặc nâng tôm ngang tầm mắt và hướng ra phía có nguồn ánh sáng để quan sát màu sắc tôm. Số lần quan sát không dưới 3 lần. Số giống tôm thẻ quan sát xong thả vào một chậu chứa khác.

Vớt ngẫu nhiên 30 – 40 cá thể trước đó đã quan sát bằng mắt thường, dùng kính lúp quan sát lại chỉ tiêu ngoại hình, phần phụ của giống tôm thẻ.

Kiểm tra chiều dài

Đặt giống tôm thẻ nằm duỗi thẳng trên thước đo hoặc giấy kẻ ô ly, sau đó đọc chiều dài từ mũi chủy đến chóp đuôi tôm. Lần lượt đo chiều dài ít nhất 50 cá thể. Thống kê toàn bộ chiều dài số cá thể của mẫu và xác định tỷ lệ % số giống tôm thẻ khác quy cỡ.

Kiểm tra khả năng bắt mồi

Kiểm tra tôm trong bể ương; tôm khỏe bắt mồi đều đặn, ruột chứa đầy thức ăn, không bị ngắt đoạn.

Kiểm tra tình trạng sức khỏe

Kiểm tra tình trạng sức khỏe của tôm bằng 1 trong 2 cách:

+ Gây sốc bằng Formalin 100 ppm: Thả 40 – 50 cá thể giống tôm thẻ cần kiểm tra vào dung dịch Formalin 100 ppm và theo dõi trong 30 giây. Nếu tỷ lệ tôm sống 100% là tôm đạt yêu cầu.

+ Gây sốc bằng cách hạ độ mặn đột ngột xuống 0‰: Thả 40 – 50 cá thể giống tôm thẻ cần kiểm tra vào cốc thủy tinh chứa 300 ml nước trong bể ương. Cho nước ngọt vào và hạ độ mặn xuống còn 0‰. Theo dõi hoạt động của tôm trong 30 giây, sau đó đưa tôm trở lại độ mặn 30‰. Nếu tỷ lệ sống của tôm 100% là đạt yêu cầu.

Kiểm tra vi khuẩn, virus gây bệnh

Công tác và thiết bị kiểm tra mẫu bệnh của giống tôm thẻ cần được đầu tư và thường được tiến hành ở các phòng thí nghiệm bằng phương pháp PCR hoặc phương pháp mô bệnh học.

Về quan sát hình thái và biểu hiện của tôm, người nuôi cần chú ý một số đặc điểm biểu hiện đặc trưng từng loại bệnh.

VD1: Tôm bị nhiễm bệnh đầu vàng (YHV) thường có biểu hiện bơi lờ đờ, hôn mê và bơi lên tầng mặt nước gần bờ ao; quan sát giáp đầu gần ngực có màu vàng nhạt; mang tôm có màu trắng, vàng nhạt hoặc nâu.

VD2: Tôm bị nhiễm bệnh hoại tử gan tụy (NHP) thường có những biểu hiện lâm sàng như: tôm bỏ ăn; đường tiêu hóa rỗng; lớp vỏ mềm; mang bị đen hoặc sẫm màu; gan tụy hoại tử có màu trắng nhợt khác với màu nâu vàng ở tôm bình thường; gan tụy mềm, dễ nát…

VD3: Tôm bị nhiễm bệnh bệnh đốm trắng (WSSV) thường có những biểu hiện lâm sàng như: tôm lờ đờ, dạt vào bờ; xuất hiện các đốm trắng tròn ở dưới lớp vỏ kitin, đặc biệt là vùng đầu ngực và ở đốt bụng cuối cùng; trong trường hợp cấp tính tôm bệnh có thể chuyển sang màu hồng đỏ.

HIỆU QUẢ MÔ HÌNH NUÔI TÔM THẺ

Đặc điểmDiễn giải
Tên gọitôm thẻ, tôm chân trắng
Vùng nuôi lợ, mặn ( 5 – 35%o)
Hình thức nuôi Ao đất và ao đầm
Tiêu chuẩn tôm thẻ giống chất lượngBóng, màu  sáng, đều, khỏe
Kích cở tôm giốngPl 9 đến pl 15
Mật độ thả tôm50-100 con / m2
Thời gian nuôi3 tháng
Kích cở tôm30-80 con/kg
Tỷ Lệ Sống60% – 70 %
Loại thức ănThức ăn công nghiệp dành cho tôm thẻ ( UP)
Hệ số thức ăn1,5 – 1,7
Giá trị dinh dưỡngGiàu chất dinh dưỡng. kinh tế cao
Giá trị thương phẩm90.000 – 150.000 vnd (2015)
Hệ số lợi nhuận trên 1 kg tôm30.000 – 60.000 vnd/kg tôm
Thực tại Việt Namphát triển mạnh
Xu hướng Phát triểnxuất khẩu mạnh

Một số vấn đề cần lưu ý khi nuôi tôm thẻ chân trắng

posted in: Tôm Thẻ | 0

Trong thời gian vừa qua có rất nhiều người nuôi tôm ở khắp nơi (từ Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi cho đến Bình Thuận, Long An, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau…) gọi điện thoại cho tôi hỏi về các vấn đề liên quan đến tôm nuôi. Đặc biệt, hầu hết các trường hợp đều cho thấy dấu hiệu tôm bệnh, chết từ rải rác cho đến hàng loạt. Qua trao đổi với những người nuôi tôm tại các địa phương, tôi thấy có một số điểm chung khá phổ biến như sau:

1. Người nuôi tôm thẻ chân trắng ở các tỉnh miền Nam còn khá hạn chế về mặt kỹ thuật (bao gồm cả quản lý môi trường ao nuôi, quản lý sức khỏe tôm trong ao). Đặc biệt là việc đo đạc các yếu tố môi trường hàng ngày để sớm phát hiện những biến động bất thường và điều chỉnh cho kịp thời. Nhất là trong thời điểm nắng nóng như hiện nay làm cho nhiệt độ nước ao tăng, tảo bùng phát mạnh làm pH nước ao tăng cao (vào buổi chiều) và gây thiếu Oxy hòa tan vào ban đêm hoặc sáng sớm. Nhiệt độ và pH tăng cao sẽ làm tăng độc tính của Ammonia, đặc biệt là đối với các ao vừa mới bị “sụp” tảo (chết tảo hàng loạt). Khi hàm lượng NH3 tăng, gặp điều kiện pH tăng > 9 có thể sẽ làm cho thân tôm có màu hồng và cũng có thể làm tôm chết. Trong trường hợp này, bà con cần áp dụng các biện pháp như sau:

– Thay nước 30 – 40% để loại bỏ bớt 1 lượng tảo, vi khuẩn, chất hữu cơ lơ lửng,…). Nước thay phải có chất lượng tốt, đã qua xử lý trong ao lắng.

– Sử dụng ngay các sản phẩm có chứa chất Yucca schidigera để hấp thu nhanh NH3, giảm “sốc” cho tôm, nhất là vào thời điểm tôm lột xác. Sản phẩm có chứa Yucca schidigera hiện có rất nhiều trên thị trường, nhưng khi mua cần lưu ý chỉ mua sản phẩm của những công ty lớn, có thương hiệu, có uy tín lâu năm trên thị trường thì chất lượng mới đảm bảo, dùng mới có hiệu quả. Đối với Zeolite, nhiều tài liệu công bố kết quả nghiên cứu cho thấy Zeolite chỉ có hiệu quả hấp thụ khí độc trong môi trường nước có độ mặn thấp (< 10 ppt). Vì vậy bà con cần lưu ý khi sử dụng.

– Giảm pH bằng cách sử dụng Chế phẩm sinh học, kết hợp với mật đường (rỉ đường). Chế phẩm sinh học nên xử lý định kỳ 1 lần/ 1 tuần. Rỉ đường có thể sử dụng ngày cách ngày cho đến khi thấy pH giảm xuống dưới 8 (vào buổi chiều) là được. Chế phẩm sinh học cũng cần lựa chọn sản phẩm của các công ty lớn, có uy tín lâu năm được người nuôi tôm tin dùng. Thành phần chủ yếu chứa các chủng vi khuẩn Bacillus.

2. Mặc dù nuôi tôm thẻ chân trắng phải đầu tư khá lớn nhưng kinh nghiệm, sự am hiểu của bà con về đối tượng này còn khá hạn chế.

Khi thấy tôm trong ao có các dấu hiệu như: giảm ăn, đường ruột không có thức ăn hoặc đứt khúc, phân lỏng, nhão, gan tụy thay đổi màu sắc chuyển sang màu vàng nhạt hoặc màu xanh, thể tích khối gan tụy nhỏ lại, có tôm chết trong nhá (vó) thì nhiều khả năng là tôm đã bị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND hay còn gọi là Hội chứng chết sớm – EMS). Cần phải xử lý ngay lập tức khi phần lớn đàn tôm trong ao còn ăn mồi. Tỷ lệ thành công khi điều trị bệnh này phụ thuộc rất lớn vào khả năng còn ăn mồi của tôm. Việc xử lý, điều trị đối với bệnh này cần phải tiến hành song song cả 2 cách: trộn thuốc cho tôm ăn và xử lý diệt khuẩn trong nước ao nuôi.

– Đối với diệt khuẩn nước ao nuôi: không nên dùng các loại hóa chất có thể làm chết tảo như BKC, Chlorine, Protectol GDA, TCCA,…mà chỉ nên dùng các loại hóa chất như Virkon A, Iodine.

– Đối với việc dùng thuốc trộn vào thức ăn cho tôm ăn: cần lưu ý là tuyệt đối không nên dùng Oxytetracycline hoặc các sản phẩm có chứa Oxytetracycline. Lý do không phải vì Oxytetracycline là loại thuốc bị cấm sử dụng (Cho đến nay Oxytetracycline là loại thuốc được khuyến cáo hạn chế sử dụng), mà chính là vì Oxytetracycline không có tác dụng điều trị khỏi bệnh hoại tử gan tụy cấp tính. Đó cũng chính là nguyên nhân vì sao trong 2 năm qua, người nuôi sử dụng Oxytetracycline vừa tạt xuống ao, vừa trộn vào thức ăn cho tôm ăn mà tôm vẫn chết. Một số trường hợp có thể thấy tôm ngừng chết trong khoảng thời gian 10 – 15 ngày, nhưng sau đó lại bị chết trở lại. Tình trạng như vậy cứ tiếp diễn, tái đi, tái lại để rồi cuối cùng khi thu hoạch tỷ lệ sống không còn được bao nhiêu, người nuôi càng kéo dài, càng theo đuổi thì càng bị thiệt hại nghiêm trọng hơn.

Tóm lại:

– Người nuôi cần phải trang bị đầy đủ các dụng cụ đo môi trường (pH, Kiềm, NH3, Oxy hòa tan,…), kiểm tra thường xuyên các yếu tố môi trường để kịp thời xử lý, điều chỉnh khi có yếu tố nào vượt ra khỏi phạm vi thích hợp cho tôm nuôi. Thường xuyên tham khảo tài liệu hướng dẫn kỹ thuật quản lý môi trường, quản lý sức khỏe tôm trong ao nuôi.

– Khi tôm trong ao nuôi có những dấu hiệu bất thường thì điều đầu tiên phải làm là kiểm tra thật kỹ các yếu tố môi trường. Nếu tất cả đều nằm trong phạm vi tốt thì có thể nghĩ đến vấn đề bệnh. Trong trường hợp này, trước khi tiến hành xử lý cần tham vấn ý kiến của những người có nhiều kinh nghiệm, có kiến thức chuyên môn sâu về nuôi trồng thủy sản – đặc biệt là nuôi tôm – để từ đó có cách giải quyết, xử lý phù hợp nhất, vừa đảm bảo mang lại hiệu quả cao trong phòng, trị bệnh, vừa đảm bảo hiệu quả về mặt kinh tế, vệ sinh môi trường, an toàn sinh học và đúng quy định của Nhà nước.

Dư Ngọc Tuân – Chi cục NTTS Ninh Thuận

Kiểm soát bệnh do Vibrio bằng hỗn hợp acid hữu cơ trên tôm thẻ

posted in: Tổng Hợp | 0

Giảm tỷ lệ tỷ vong cho tôm thẻ chân trắng nhiễm Vibrio nhờ hỗn hợp acid hữu cơ.

Vibrio spp. là một trong những bệnh vi khuẩn nghiêm trọng nhất của tôm nuôi với tỷ lệ chết lên đến 100%. Có một số cách kiểm soát bệnh Vibriosis như: sử dụng kháng sinh hay chế phẩm sinh học. Việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản đã mang lại những tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và môi trường. Hạn chế của chế phẩm sinh học là đôi khi gây ra các phản ứng tiêu cực nếu không sử dụng đúng cách, cần có công nghệ tiên tiến để sản xuất chế phẩm sinh học và nó vẫn còn là thách thức. 

Chính vì thế các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng các acid hữu cơ như: acid formic là một chất diệt khuẩn hiệu quả đối với Salmonella và các loài Vibrio khác nhau, bao gồm: V. harveyi, V. parahaemolyticus, V. vulnificus, V. alginolyticus và V. cholerae.

Các acid hữu cơ có thể được sử dụng như chất kích thích tăng trưởng trong nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ ức chế mầm bệnh trong đường ruột và cải thiện khả năng tiêu hóa của các chất dinh dưỡng như nitơ và phốt pho trong thức ăn. Các acid hữu cơ và muối của chúng cũng có thể góp phần tăng giá trị dinh dưỡng trong thức ăn, vì chúng là thành phần trong một số con đường trao đổi chất để tạo năng lượng như tạo ATP trong chu trình citric acid hoặc chu trình carboxylic-acids. 

Nghiên cứu được tiến hành với 3 nhóm nghiệm thức và nhóm đối chứng:

  • Nhóm nghiệm thức thứ nhất G1 hỗn hợp: 46% acid lactic, 18% acid fomic, 18% acid citric và 18% acid sorbic.
  • Nhóm nghiệm thức thứ hai G2: 40% acid xitric, 40% acid fumaric và 20% acid sorbic.
  • Nhóm nghiệm thức thứ ba G3: 100% acid fomic.

Kết quả phân tích vi sinh của thức ăn bổ sung hỗn hợp acid hữu cơ cho thấy các thông số vi sinh tương tự nhau ở tất cả các nghiệm thức: vi khuẩn hiếu khí 1×100 cfu/g, nấm men và nấm mốc giá trị <1×101 UP/g. Chế độ ăn với muối của acid hữu cơ đã cải thiện sự ép đùn thức ăn, tăng độ ổn định và giảm sự giãn nở của viên thức ăn. Việc sử dụng các acid hữu cơ (acid citric và lactic) có tác dụng tăng độ hấp dẫn và ngon miệng cho tôm.

Mười con tôm (8g) có các triệu chứng lâm sàng của bệnh Vibriosis được tiến hành thí nghiệm với 3 nghiệm thức (G1, G2, G3) được điều trị bằng acid hữu cơ. Nhóm đối chứng với 10 con tôm (8g) có biểu hiện bệnh Vibriosis không sử dụng hỗn hợp acid hữu cơ.

Kết quả cho thấy nghiệm thức đối chứng có tỷ lệ chết cao nhất 50% trong khi tôm sử dụng hỗn hợp acid hữu cơ nhóm G1 tỷ lệ chết thấp nhất 10%. Tôm thẻ chân trắng sau khi sử dụng hỗn hợp acid hữu cơ ở nhóm G1 có chỉ số sống sót cao nhất là 80%, trong khi tôm ở nhóm đối chứng có chỉ số sống sót thấp nhất. Nghiên cứu này đã chứng minh các acid hữu cơ như: acid axetic, butyric, propionic, acid formic và valeric có thể được sử dụng để ức chế sự phát triển của Vibrios.

Tôm thẻ chân trắng (4 con sống) ở nghiệm thức G1 có trọng lượng cao nhất 51g, trong khi 4 con tôm sống nhóm đối chứng có trọng lượng thấp nhất là 43g. Tôm nhiễm Vibrios sau khi sử dụng hỗn hợp acid hữu cơ ở nghiệm thức G1 không cho thấy sự hiện diện của Vibriosis. Việc ăn thức ăn có tẩm hỗn hợp acid hữu cơ giúp phục hồi hoàn toàn các dấu hiệu lâm sàng ở tôm bị nhiễm các loài Vibrio. Sự thành công của hỗn hợp acid hữu cơ G1 có thể là do phổ kháng khuẩn rộng của hỗn hợp acid hữu cơ. Mỗi acid hữu cơ có phổ hoạt động kháng khuẩn riêng do tính chất vật lý và hóa học cụ thể của chúng. Do đó, lợi thế của việc sử dụng hỗn hợp acid hữu cơ là có thể có phổ hoạt động kháng khuẩn rộng hơn chống lại nhiều loại vi khuẩn gây bệnh hơn và có tác dụng hiệp đồng tiềm năng đối với hiệu suất tăng trưởng và sử dụng chất dinh dưỡng. Hơn nữa, hỗn hợp acid hữu cơ có thể cho phép giảm thêm liều lượng sử dụng trong thức ăn do đó giảm chi phí. 

Tóm lại, việc sử dụng hỗn hợp acid hữu cơ nhóm G1: 46% acid lactic, 18% acid fomic, 18% acid citric và 18% acid sorbic trong thức ăn đã kiểm soát lượng vi khuẩn Vibrio, giảm tỷ lệ chết và cải thiện sự tăng trưởng của tôm thẻ chân trắng.

Sương Phạm