Tình hình sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi hiện nay

posted in: Kinh Nghiệm Nuôi Tôm | 0
Sự phát triển nhanh chóng của ngành chăn nuôi dẫn đến tình hình sử dụng kháng sinh ngày càng gia tăng. Nhiều loại kháng sinh với tên thương mại khác nhau, phòng và trị bệnh khác nhau đã xuất hiện trên thị trường làm cho việc lựa chọn, sử dụng kháng sinh của người chăn nuôi khá phức tạp. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp một cách khái quát tình hình sử dụng kháng sinh trong ngành chăn nuôi (heo, gà, thủy sản) ở một số địa phương có ngành chăn nuôi phát triển.

  • Một số yếu tố liên quan đến việc sử dụng kháng sinh trong các trại  chăn nuôi

– Mục đích sử dụng kháng sinh: phòng – trị bệnh hay tăng trọng.

– Lựa chọn kháng sinh cần dựa vào vị trí nhiễm trùng và phổ tác dụng (nhiễm trùng do vi khuẩn nội bào thường sử dụng các nhóm: Quinolon II, Macrolid, Cyclin, Lincosamid, Phenicol).

– Liều lượng kháng sinh phụ thuộc vào các yếu tố: mức nhạy cảm của vi khuẩn gây bệnh đối với kháng sinh; tính chất dược động học của kháng sinh; vị trí của ổ nhiễm trùng; cơ địa gia súc; sử dụng phối hợp kháng sinh; thời gian sử dụng kháng sinh (sử dụng đúng liệu trình với từng kháng sinh).

Không nên vội vàng thay kháng sinh mà phải chờ một thời gian để phát huy tác dụng của kháng sinh.

– Thời gian ngưng thuốc trước khi xuất chuồng: đảm bảo thời gian ngưng thuốc theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

– Phối hợp kháng sinh cần chọn những thuốc có tác dụng tăng cường lẫn nhau (tác dụng hợp đồng) hoặc các thuốc cộng hợp, tránh phối hợp các thuốc đối kháng (về hoạt tính hóa học cũng như tác dụng điều trị).

  • Tình hình sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản

* Sóc Trăng và Bạc Liêu

Điều tra 60 hộ nuôi tôm, người bán, phân phối thuốc ở Sóc Trăng và Bạc Liêu (2004) có 19 loại kháng sinh được sử dụng. Trong đó, nhóm kháng sinh Fluoroquinolones (enrofloxacin, Norfloxacin và axit oxolinic) được sử dụng nhiều nhất trong khu vực khảo sát. Sulfonamides được sử dụng kết hợp với Norfloxacin và Trimethoprim hoặc Sulfonamides kết hợp với Trimethoprim để phòng trị bệnh thuộc nhóm Vibrio. Chloramphenicol không sử dụng trong khu vực khảo sát.

* Trà Vinh

Các hộ nuôi tôm thường mua thuốc để phòng bệnh cho tôm theo hướng dẫn của chủ sở kinh doanh thuốc hoặc theo hướng dẫn của các hộ nuôi khác, nhiều khi sử dụng cả thuốc nhân y như Berberin. Ngoài ra, một số hộ nuôi đang sử dụng Josamycin và Trimethoprim (không có trong danh mục thuốc TYTS được phép lưu hành) để trị các bệnh về phân trắng. Hầu hết các cở sở nuôi ở Huyện Cầu Ngang đều có sử dụng nguyên liệu Oxytetracycline để chữa bệnh khi tôm có biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh.

* Cà Mau

Qua điều tra 80 hộ nuôi tôm công nghiệp tại tỉnh Cà Mau có 8 loại kháng sinh chính được sử dụng Ampicillin (8,75%), Oxytetracyclin (21,25%), Neomycin(10%), Streptomycin (11,25%, Norfloxacin (18,75%), Flumequin (12,5%), Sulfadimidin (10%), Pyrimethamine (7,5%). Trong đó có 2 loại kháng sinh thuộc nhóm kháng sinh hạn chế sử dụng theo quyết định số 07/2005/QĐ – BTS của Bộ Thủy Sản là Ampicillin và Oxytetracylin. Không có trường hợp các hộ nuôi tôm sử dụng kháng sinh trong danh mục cấm sử dụng của Bộ Thủy Sản.

  • KẾT LUẬN

Tình hình sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi hiện nay khá phức tạp vì vậy khi lựa chọn, sử dụng kháng sinh người chăn nuôi nên lựa chọn kháng sinh phù hợp với tình hình dịch bệnh của trại, kiên trì sử dụng đúng liệu trình khuyến cáo của nhà sản xuất, không nên tăng liều vượt quá quy định. Có thể sử dụng acid hữu cơ, enzyme, các chế phẩm giàu kháng thể, probiotic hoặc thảo dược để thay thế kháng sinh nhằm tránh tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, vật nuôi và môi trường.

NGUỒN: COPY