Probiotic là một loại vi khuẩn có lợi tự nhiên được tìm thấy trong ruột. Chúng còn được gọi là “vi khuẩn có lợi”
(Thủy sản Việt Nam) – Sử dụng Probiotic thông qua con đường bổ sung vào thức ăn và xử lý nước đã được chứng minh có tác dụng thiết thực đối với việc phòng bệnh trong nuôi trồng thủy sản.
Hữu ích
Chế phẩm Probiotic hay còn gọi là men vi sinh là một trong những dạng chế phẩm sinh học phổ biến nhất. Probiotic có bổ sung các chất có chứa các vi sinh vật sống có lợi đối với vật nuôi bằng cách biến đổi hệ vi sinh vật trong môi trường nuôi hoặc liên quan đến vật nuôi bằng cách nâng cao khả năng sử dụng thức ăn, giá trị dinh dưỡng của thức ăn và nâng cao đáp ứng của vật nuôi với mầm bệnh hay cải thiện chất lượng môi trường nước bằng cách phân hủy nhanh các chất hữu cơ trong nước nhanh hơn.
Probiotic đã được chứng minh là có tác dụng đến khả năng miễn dịch, khả năng kháng bệnh và các chỉ số hoạt động khác của các loài động vật thủy sản. Một số probiotic được sử dụng phổ biến như các loài vi khuẩn Bacillus, các loài vi khuẩn axit lactic khác nhau như: Lactobacillus, Lactococcus, Carnobacterium, Pediococcus, Enterococcus và Streptococcus. Các vi khuẩn này có thể được bổ sung trong khẩu phần ăn để giúp củng cố số lượng vi khuẩn có lợi qua đó thiết lập cơ chế phòng ngừa mầm bệnh hữu hiệu bằng cách cạnh tranh nơi ở và dinh dưỡng với vi khuẩn gây bệnh. Hơn nữa, việc tăng cường các vi khuẩn có lợi trong đường ruột giúp cải thiện quá trình tiêu hóa nguồn dinh dưỡng và năng lượng của các loài thủy sản. Quan trọng hơn cả là các vi khuẩn hữu ích có hoạt động kháng khuẩn bằng cách tạo ra một số protein (một dạng kháng sinh tự nhiên) có khả năng chống lại một số vi khuẩn gram âm, gram dương, virus gây bệnh.
Cùng với đó ao nuôi tôm cá còn tích lũy một số lượng lớn chất hữu cơ, gây ra tình trạng thiếu ôxy và tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành các loại khí độc ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm, cá. Sự gia tăng các chất độc cũng thay đổi thành phần vi sinh vật trong môi trường đất, nước và đáy ao, đặc biệt là gia tăng mật độ vi sinh vật gây bệnh. Ứng dụng vi sinh vật hữu ích giúp quản lý và giám sát ao nuôi tốt hơn, đồng thời cải thiện chất lượng nước góp phần phát triển bền vững giúp gia tăng tỷ lệ sống, gia tăng năng suất.
Một số lưu ý
Mặc dù Probiotic có những tác dụng tích cực trong nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên nếu lựa chọn dòng Probiotic không đảm bảo chất lượng, hàm lượng vi sinh vật hữu ích thấp, tính ổn định trong suốt quá trình bảo quản của sản phẩm kém hoặc phương pháp sử dụng không đúng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng. Chính vì vậy cần chú ý khi chọn mua các sản phẩm Probiotic, tránh mua những dòng sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Khi lựa chọn các sản phẩm phải chú ý lựa chọn dòng Probiotic theo chức năng, vai trò của nó.
Không sử dụng cùng một lúc với các loại hóa chất và kháng sinh, vì sẽ làm chết một số nhóm sinh vật, dẫn đến việc sử dụng không hiệu quả.
Nếu đã sử dụng các loại hóa chất như thuốc tím, BKC,… tạt vào môi trường nuôi thì khoảng 2 – 3 ngày sau nên sử dụng chế phẩm Probiotic để khôi phục lại các vi sinh vật có lợi để cải thiện môi trường nước và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Nên định kỳ sử dụng các loại Probiotic trộn vào thức ăn cho tôm, cá để khôi phục lại hệ men đường ruột. Khi tôm nuôi được 2 tháng trở lên, người nuôi nên sử dụng các chế phẩm Probiotic có các thành phần chủng loại vi khuẩn có lợi như Nitrosomonas, Nitrobacter, Bacillus spp, Lactobacillus và Rhodoseudomonas, Rhodococus, Phodobacillus… Các chủng loại vi khuẩn này khử được tính độc của khí NH3, H2S, phân hủy các chất hữu cơ tích lũy trong ao, loại bỏ lớp bùn ô nhiễm, làm sạch môi trường, khống chế các vi khuẩn, nấm và các nguyên sinh động vật trong ao.
Sử dụng chế phẩm Probiotic trong hệ thống ao nuôi thâm canh, siêu thâm canh, bán thâm canh nơi tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm hữu cơ.
Đa số chế phẩm Probiotic đều chứa các vi khuẩn hiếu khí. Do vậy khi đưa xuống ao nuôi cần tăng cường ôxy hòa tan trong nước, đặc biệt khi sử dụng để tăng sinh khối và hoạt động phân hủy các hợp chất hữu cơ trong ao nuôi.
NGUỒN: COPY